Download Template for Joomla Full premium theme.

Deutschland online bookmaker http://artbetting.de/bet365/ 100% Bonus.

Online bookmaker bet365

QUÊ CHA ĐẤT TỔ

bavacon

Đây là câu chuyện “Một đứa con bằng vàng” chuyên chở những dòng tâm sự chân thành và cảm động:

Vào thập niên hai mươi, cha tôi đã rời quê nhà Sơn Đông để lập nghiệp, khi ấy cha chỉ là một thanh niên chưa quá đôi mươi. Sau năm 1949, cha định cư ở Pusan, Nam Triều Tiên.

Cha tôi đã từng làm việc như một người tập sự trong một hãng buôn ở Thượng Hải, vì vậy cha lại tiếp tục công việc này ở Triều Tiên. Đặc biệt sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, sự buôn bán trở nên phát đạt.

Những tấm ảnh cha tôi chụp hồi đó đã cho tôi thấy hình ảnh một người đàn ông mạnh mẽ trên chiếc máy bay, hoặc trên xe Jeep trong những cuộc hành trình đến những nơi như Hồng Kông và Nhật. Món đồ chơi đầu tiên tôi có là những cây viết Parker mà cha sưu tập.

Khi tôi lên một, tôi được chẩn đoán là mắc bệnh bại liệt và cha muốn tôi có được một sự chạy chữa tốt nhất. Những người láng giềng của chúng tôi ở Pusan đều sững sờ khi biết cha tôi đã tốn kém bao nhiêu cho tôi, thậm chí nhiều năm sau đó họ đã gọi tôi là “đứa con bằng vàng”. Cũng chính những người này đã bàng hoàng khi thấy sản nghiệp của cha tôi bỗng chốc tiêu tan.

Không lâu sau khi bệnh của tôi được chẩn đoán, một người họ hàng xa đã chiếm được lòng tin của cha tôi khi ông ta tìm cho tôi vài bác sĩ. Lúc đó ông ta giới thiệu vài người với cha và họ thuyết phục cha đầu tư vào một khách sạn du lịch mới ở Pusan. Thế nhưng, trước khi tòa cao ốc tám tầng hoàn tất, cha tôi đã phát hiện ra mình đã là con mồi trong một vụ lừa đảo xấu xa. Số tiền cha tôi đầu tư đã bị cuỗm mất, những kẻ có trách nhiệm cũng biến theo. Việc xây dựng khách sạn bị đình lại, cha tôi phải bán gần hết thảy các bất động sản để cứu vãn tình thế.

Tôi nhớ mãi cái ngày nhìn thấy cha phải đi ra ngoài trong một buổi chiều mưa để bán cái điện thoại. Lúc đó cha đã vào tuổi 50.

Cùng với việc kinh doanh bị phá sản, cha không còn lãnh đạo hội đồng nhân dân Trung Quốc ở địa phương nữa. Điều an ủi duy nhất là ông đã xoay sở giữ được ngôi nhà cho gia đình.

May thay, nhờ có tài nghệ thư pháp và tinh thông về bàn tính, cha đã có thể chu cấp cho chúng tôi.

Cha tôi rời Pusan và bắt đầu làm việc kế toán tại một vài thành phố khác ở Triều Tiên. Nhiều năm sau đó, mẹ tôi qua đời, cha trở lại Pusan nhận công việc đi thu phí hội viên từ những tiểu thương trong vùng cho Hiệp Hội Cư Dân người Trung Quốc.

Để thu những món tiền này, cha phải đi xe buýt và đi hết từ nhà này sang nhà khác. Điều in đậm mãi trong tôi là mặc cho cái bản chất hèn mọn của công việc, cha luôn đường hoàng trong cách phục sức. Không quan trọng đang mùa nào hay thời tiết nào, mỗi ngày cha đều mặc một bộ đồ tươm tất, ủi thẳng nếp, mặc chiếc áo sơ mi trắng như tuyết và một chiếc cà vạt chỉnh tề.

Ban đêm, tôi thấy cha mê mải ghi chép sổ sách trong ngày. Cha luôn luôn kết thúc bằng cách xem xét những tính toán của mình với một chiếc bàn tính. Những hạt con tính kêu lách cách khi cha đẩy chúng tôi tới lui một cách mạnh mẽ. Khi hoàn tất, cha nói: “Đấy, chính xác từng xu cuối cùng”.

Đó chính là cách mà cha đã xoay sở để duy trì những tiện nghi sinh hoạt trong gia đình chúng tôi, mặc dù cũng có phần túng quẫn. Cha chỉ nhờ vào lương tháng một số tiền nhỏ mọn không đủ trả cho một bữa tiệc với bạn bè trong thời hoàng kim của cha, và một khoản tiền không đáng kể mà cha kiếm được nhờ cho thuê phía ngoài căn nhà của chúng tôi.

Khi vào trung học, tôi dần dần trở nên bất mãn với cha tôi. Ngày nọ, có người bạn nói với tôi là cha cậu ấy đã phục hồi được sự giàu sang sau khi trải qua sự thất bại.

Câu chuyện của người bạn đã gieo trong tôi nỗi hoài nghi. Tại sao cha tôi không thể trỗi dậy lần nữa sau lần thất bại của ông ở tuổi 50. Lẽ ra ở độ tuổi ấy, người ta đang ở đỉnh cao của tài năng.

Tôi bắt đầu nghĩ, thật vô nghĩa làm sao khi cha đã đi lòng vòng suốt ngày cho cái công việc thu tiền tầm thường, rồi đếm từng xu cuối cùng trên bàn tính mỗi đêm. Tôi nghi ngờ không biết có phải cha đã từng có nghị lực để lao vào kinh doanh lúc ban đầu không?

Tại sao một người như cha lại không thể dồn hết tài tháo vát của mình để phục hồi lại quá khứ vàng son kia? Làm sao cha lại có thể bằng lòng với công việc cân đối một đống tiền lẻ trong sổ sách của mình?

Tôi cũng không thể chịu đựng được những lời khuyên lặt vặt của cha. Lo lắng rằng tôi sẽ không thể kiếm được một chỗ làm tốt cho chính mình trong xã hội, cha luôn nhắc nhở tôi phải cẩn trọng.

Cái nhìn thời cuộc đầy bi quan của cha ắt là do việc thất bại trong kinh doanh, đã gây nên trong tôi sự coi thường. Sau hai trận khẩu chiến, chúng tôi rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh.

Khi đó, đã 18 tuổi, tôi chuyển đến Đài Loan để học đại học. Chỉ đến khi nhiều năm đã trôi đi, sau khi có quá nhiều hành động ngu ngốc và bất hiếu từ phía tôi, tôi cũng còn đủ may mắn để kịp củng cố lại tình cha con giữa chúng tôi. Chỉ đến lúc đó mới nhận ra cha luôn ngóng chờ tôi trở về. Thế mà ngay khi đó tôi vẫn không sẵn sàng cho một cuộc hòa giải.

Mặc dù sống ở những nơi khác nhau, chúng tôi vẫn thường viết thư cho nhau mỗi khi có thể. Như mọi khi, cha không nói nhiều. Nhiều lần có dịp, tôi hỏi cha về cái âm mưu bất lương đã gây cho cha phải trả giá đắt bằng cả cơ nghiệp của mình. Tuy nhiên, cha chỉ cười và không nói gì. Vậy mà, tâm hồn chúng tôi dường như cảm thông nhau hơn.

Rồi một ngày, sau khi đọc lá thư của tôi, cha đã qua đời lặng lẽ trong giấc ngủ trưa. Khi đó cha 79 tuổi.

________________ 

Thế nhưng, không lâu sau đó, tôi bắt đầu thực sự hiểu được cha. Tôi đã vào tuổi 40 và đã trải qua nhiều thất bại nặng nề trong sự nghiệp của chính mình. Tôi đã tận tụy 8 năm trời cho một công ty, và mời đây buộc phải thoái nhiệm chức chủ tịch. Thoạt tiên tôi rất buồn nản.

Một ngày kia, sau khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, tôi ngồi xuống nghĩ về cha. Tôi nhớ lại tôi đã coi thường cha khá lâu chỉ vì cha không thể đứng vững nữa sau khi gặp rủi ro.

Tôi bỗng thấy dường như cha đang đứng ngay trước mặt tôi, mỉm cười và choàng vai tôi: “Con trai của cha”, tôi gần như nghe cha tôi nói: “Thật là hay. Nào, hãy cho cha thấy con xử lý cú đòn này như thế nào. Con chỉ bốn mươi tuổi thôi mà”. Những lời ấy có lẽ chỉ là do tôi tưởng tượng ra để diễn tả tâm trạng của tôi vào giây phút ấy.

Rồi thời gian trôi qua, tôi vượt ra khỏi sự suy sụp của mình và bắt đầu làm lại sự nghiệp.

Hơn bao giờ hết, tôi hiểu được cha sâu sắc hơn. Bây giờ tôi hiểu được vì sao cha tránh nói về việc làm thế nào mà quyền lực của cha đã tan thành tro bụi. Tôi cũng đã hiểu được vì sao, sau khi tích lũy được vô số tiền bạc, cha lại có thể bằng lòng với cuộc sống khiêm tốn giản dị của một người đi thu lệ phí. Tôi cũng đã hiểu tại sao, ngay khi làm một công việc như vậy, cha vẫn cẩn thận chăm chút cái dáng vẻ bề ngoài.

Một người cung hiến tận tụy cho công việc của mình sẽ không cố lý giải hay biện minh cho những sai lầm của mình.

Một người tận tâm với công việc sẽ luôn luôn tận tụy ngay cả trong công việc hèn mọn nhất.

Một người tận tụy với công việc sẽ luôn luôn bước thẳng và ngẩng cao đầu, trong cả khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan.

Thành công hay thất bại chỉ là khí vận.

_________________

Một ngày nọ, tôi đang đi trên taxi với một người lái xe có con gái mắc bệnh bại liệt năm 1964, bị bệnh sau tôi vài năm. “Mới đầu tôi nghĩ chỉ là cảm cúm xoàng”, người lái xe nói với tôi. “Sau đó, tôi mới thấy cháu không thể đứng được, và không có phản xạ khi tôi gõ vào đầu gối cháu. Tôi nghĩ, thế là hết. Đó là bệnh bại liệt”.

Lắng nghe ông ta nói, tôi có thể mường tượng những gì ông sẽ nói tiếp sau đó: Rồi con tôi sẽ ra sao trong những ngày tháng tiếp theo của cuộc đời nó? Thay vì vậy, ông ta nói: “Tôi nghĩ, chúng tôi đã phải sống trong điều kiện khó khăn để thu vén cho khỏi túng thiếu”.

Khi người lái xe nói về việc ông đã nợ nần như thế nào trong nhiều năm trời, tôi nghĩ đến cha tôi. Lúc bệnh bại liệt của tôi bộc phát, cha có thể không nghĩ đến việc tiêu tốn bao nhiêu cho tôi vì cha đang giàu có. Nhưng, một cách gián tiếp, vì tôi, cha đã sạt nghiệp.

Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng, trong từng khớp xương, từng đốt sống vặn vẹo biến dạng của của tôi là cả một tình yêu và nỗi lo lắng của cha. Tôi thật sự là một đứa con mà cha tạo nên bằng vàng.

Nước mắt lăn dài trên má, tôi phải gắng lắm mới không òa khóc trên xe.

Rex How. Nhị Tường dịch từ Reader’s Digest 2/2001. (INTERNET).

_______________

CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ

Bạn đọc thân mến,

Chắc các bạn cũng đã biết rằng, hằng năm thế giới có ngày đặc biệt dành riêng để mừng hai đấng sinh thành: “Ngày của Mẹ” là ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5, và “Ngày của Cha” là Chúa Nhật Thứ Ba trong tháng sáu.

“Ngày của Cha” được hình thành từ câu chuyện về cuộc đời của cô SONORA SMART DODD ở Spokane, Washington, Mỹ.

Sau khi mẹ cô qua đời, cô và các anh chị em của mình đã lớn lên và trưởng thành trong cảnh gà trống nuôi con của cha cô. Sau một lần nghe một bài giảng về “Ngày của Mẹ” vào năm 1909, cảm động và nhận ra những nỗi vất vả và âm thầm của tình cha đùm bọc nuôi dạy sáu đứa con thơ nên người, mà không có bàn tay chia sẻ của Mẹ, cô đã tự chọn và tổ chức “Ngày của Cha” lần đầu tiên tại Spoke, Washington vào ngày 19 tháng 6 năm 1910. Cô luôn tin tưởng rằng, cha cô và tất cả những người cha có lương tâm trên thế giới đều xứng đáng được dành riêng một ngày đặc biệt để tôn vinh. Cô chọn tháng sáu vì cha cô sinh tháng 6.

Vào năm 1972, tổng thống Mỹ Richard Nixon đã quyết định chọn ngày Chúa Nhật thứ ba của tháng sáu chính thức là Ngày của Cha và trở thành Quốc Lễ.

Người Việt Nam cũng đã có rất nhiều ca dao tục ngữ ca tụng Tình Cha nghĩa Mẹ.

Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Cơm Cha, áo Mẹ, công Thầy.

Con có Cha, như nhà có nóc.

Còn Cha gót đỏ như son
Mất Cha gót mẹ, gót con đen sì…

Tình Cha thầm lặng, sừng sững như núi cao, che chắn và bảo vệ gia đình.

Tình Cha như ngọn núi vút cao, lặng lẽ, âm thầm, không có âm thanh như dòng suối róc rách, không có tiếng ru thì thào như nhịp võng đong đưa, không có nhiều lời êm ái rỉ rả bên tai. Nhưng tiếng nói thiêng liêng huyền diệu từ con tim của tình phụ tử, chỉ có những người con hiếu thảo mới nghe được, mới đọc được và nếm được hương vị ngọt ngào như mật và thơm tho như được kết tinh từ trăm hoa tươi thắm còn nguyên tuyền tinh khiết trong nắng mai.

Vâng, rất nhiều câu chuyện về Tình Cha, mà hầu như ở tuổi thơ của nhiều người – cả tuổi đã khôn lớn – không nhận ra được trọn vẹn sự thiêng liêng cao cả của tình Phụ Tử.

Ta nương tựa vào núi. Ta núp ẩn trong núi đá, trong thạch động… nhưng ta nhìn núi cao hùng vĩ một cách lạnh lùng và xa lạ.

Núi không lên tiếng. Chẳng có sự hy sinh cao cả nào lại tự kể lể về mình! Một tình yêu vĩ đại là một tình yêu im lặng!

Bạn đã đọc câu chuyện “Một đứa con bằng vàng”  rồi phải không? Chắc bạn đã nhớ: sau khi người cha đã chết, đứa con mới hiểu được tấm lòng của Cha mình!

Khi lòng trí mở ra để cảm nghiệm được tình cha trọn vẹn, lúc ấy đã muộn màng và nỗi đau trong lòng khó phôi pha.

Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng, trong từng khớp xương, từng đốt sống vặn vẹo biến dạng của của tôi là cả một tình yêu và nỗi lo lắng của cha. Tôi thật sự là một đứa con mà cha tạo nên bằng vàng.

Nước mắt lăn dài trên má, tôi phải gắng lắm mới không òa khóc trên xe.

Tôi đang sống ở miền quê...

Vào những ngày lễ được nghỉ việc, nhất là dịp Tết Nguyên Đán, những người làm ăn phương xa nơi xứ lạ quê người, nhất là giới trẻ, thường giá nào cũng tranh thủ về thăm Quê Cha Đất Tổ.

Ngày tư ngày tết trở nên thiêng liêng, nó không chỉ là ngày vui của lễ hội, nhưng trên hết, nó là ngày máu chảy về tim, là ngày mọi người tìm về nguồn cội của mình, múc lấy sức sống, niềm tự hào, để thêm nghị lực tiến bước trong dòng đời không ngừng cuồn cuộn chảy.

Xin mượn lời sau đây trong câu chuyện để nhấn mạnh một lần nữa:

Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng, trong từng khớp xương, từng đốt sống vặn vẹo biến dạng của của tôi là cả một tình yêu và nỗi lo lắng của cha. Tôi thật sự là một đứa con mà cha tạo nên bằng vàng.

Biết bao hy sinh từ tình yêu cao cả bao la đã làm ta thay da đổi thịt từng ngày cho trí óc ta thêm rực sáng và trái tim ta thêm trải rộng để ta trưởng thành bước vào đời mà ta không hề hay biết…

Ngược lại, có khi ta trách hờn, khinh miệt và lạnh lùng trước những hy sinh trời biển dành cho ta, mãi cho đến khi ta trải qua những trận cuồng phong bão tố trong dòng đời, sự thảm bại đè bẹp sự kiêu hãnh và đánh thức niềm cảm thông, ta mới biết sử dụng những giờ phút tĩnh lặng để nhìn lại và quay về với nguồn cội trong nỗi đau buồn mất mát cùng với sự sám hối muộn màng.

Hoàng Hôn trên Sông Tiền. Bờ bên kia là Cù Lao Tây, ở đó có Giáo xứ Tân Quới,
An-rê, Bến Dinh, Tân Long, Fa-ti-ma và Bến Siêu.

Nhà thờ Bến Siêu, "Quê Cha Đất Tổ" của người viết bài này.

Một người làm nghề cá, chất chà, lưới cá... với chiếc xuồng con bé tẻo teo...

Cánh đồng Bến Siêu, Cù Lao Tây.

Nhà Thờ Bến Siêu xa xa ở cuối chân trời của cánh đồng...

Cánh đồng Cù Lao Tây, nối liền qua cánh đồng Bến Siêu.

Bác nông phu chăm sóc lúa, xa xa là mái nhà tranh trên cánh đồng Bến Siêu.

Di ảnh thân phụ người viết bài này.

Hoa mai nở sớm những ngày đầu năm Dương Lịch.

Tôi - người đang viết bài này - vì công việc của mình, thường đi qua những cánh đồng lúa bao la, những đồng ruộng mênh mông nước, những dòng kênh dài như bất tận… Ba tôi đã đi xa từ năm 1988, nhưng cho đến bây giờ, những nơi tôi đi qua, ở đâu tôi cũng thấy hình bóng của Ba tôi. Người đánh cá trong chiếc thuyền câu bé nhỏ, người cày bừa trên cánh đồng nắng như thiêu cháy, cắt lúa trên đồng ruộng nặng trỉu bông lúa vàng… quanh năm mùa nào cũng có bóng dáng người trên mọi nẻo đường đồng ruộng… Thời trung học, tôi thường phiền muộn sao nhà tôi nghèo quá, sao ba tôi ít học quá, sao nghề nghiệp ba tôi tầm thường quá…

Có một lần tôi có công việc ở vùng sâu vùng xa, tôi tiếp xúc với một bác nông phu, ông tâm sự những khó khăn và quyết tâm lo cho đứa con ông đang học Đại Học ở Sài Gòn, hình dáng của ông, lời lẽ của ông…sao quá giống ba tôi… tôi giả vờ có việc vào bên trong, tôi bật khóc… Tôi thật lòng nhớ Ba tôi quá…  

Ba đã không dạy tôi bài học nào bằng lời lẽ, nhưng bằng chính cuộc đời người. Tôi dại khờ chạy theo những bài học ở cao xa để bon chen, còn bài học đời thường nơi chính người cha thân yêu của mình tôi lại không nhận ra.

Câu chuyện “Một đứa con bằng vàng” trên đây không chỉ là lời thú tội can đảm của một đứa con, mà nó còn nói lên nghị lực của người cha thật thầm lặng và mạnh mẽ.

Nghị lực không phải chỉ là phục hồi được những gì đã mất, mà còn là làm cho những gì đã mất có ý nghĩa.

Một người cung hiến tận tụy cho công việc của mình sẽ không cố lý giải hay biện minh cho những sai lầm của mình.

Một người tận tâm với công việc sẽ luôn luôn tận tụy ngay cả trong công việc hèn mọn nhất.

Một người tận tụy với công việc sẽ luôn luôn bước thẳng và ngẩng cao đầu, trong cả khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. (trích đoạn từ câu chuyện).

Những ngày cuối năm về thăm Quê Cha Đất Tổ, có những phút tĩnh lặng để ôn lại quá khứ và nhìn về tương lai…

Những ngày cuối năm về thăm Quê Cha Đất Tổ, hạnh phúc thật ngọt ngào và cũng chất chứa biết bao  niềm thương nỗi nhớ…

Nguyễn Văn Tiếng

Bến Siêu, ngày 02.01.2013

Trang Chủ Chia Sẻ Nhân Bản