Download Template for Joomla Full premium theme.

Deutschland online bookmaker http://artbetting.de/bet365/ 100% Bonus.

Online bookmaker bet365

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU.

Submit to FacebookSubmit to Google PlusSubmit to TwitterSubmit to LinkedIn

Giza

Kim Tự Tháp Giza ở Ai Cập được coi là một trong bảy kỳ quan trên thế giới ngày xưa. Tối thiểu có 118 kim tự tháp Ai Cập được xây trong khoảng từ năm 2,700 TTL đến 1,500 TTL, và đó là những lăng tẩm chôn cất các pha-ra-ô, các vua và hoàng hậu. Xác của họ được ướp và giấu kín trong các kim tự tháp cùng với ngọc ngà châu báu để đảm bảo một cuộc sống đời sau tốt đẹp.

Với người Ai Cập hồi xưa, sự chết chỉ là bước đầu của một hành trình đi sang thế giới khác. Quan niệm này tương tự với đức tin Kitô Giáo của chúng ta, nhưng không như người Ai Cập, chúng ta không cần ướp xác bởi vì Chúa Kitô đã sống lại và đang sống trong một thân thể mới. Như T. Phaolô viết cho tín hữu thành Cô-rin-tô, “Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1 Cor 15:20-21a).

T. Au-gút-tin nói, “Đức tin của Kitô Hữu là sự phục sinh của Chúa Kitô. Tin rằng Đức Giêsu đã chết thì không có gì lạ; ngay cả người ngoại giáo cũng tin như thế, và mọi người đều chấp nhận điều đó. Điều thực sự vĩ đại là tin rằng Người đã chỗi dậy.”

Sự phục sinh của Chúa Kitô là một biến cố độc đáo và vượt trên mọi cảm nghiệm của con người khiến chúng ta không thể hiểu được rõ ràng. Do đó, Giáo Hội dùng cả bốn phúc âm liên quan đến sự Phục Sinh và được đọc trong bảy Chúa Nhật nhằm giúp chúng ta hiểu và chấp nhận ý niệm rằng “sự sống lại của thể xác và sự sống đời đời” là mục tiêu tối hậu của Kitô Hữu.

Sự xuất hiện của Chúa Kitô Phục Sinh thì mới và khác với hình dáng thân xác trước đây. Tỉ như, không phải ai cũng có thể nhận ra Người nhưng chỉ có những ai Người ban cho khả năng thì mới nhận biết Người mà thôi. Thân xác mới của Người thì khác biệt; Người không bị chi phối bởi các quy luật vật lý, có thể ra vào các phòng đóng kín, và xuất hiện hay biến dạng bất thình lình.

Một số học giả, tỉ như Rudolf Bultmann, đưa ra một giải thích khác về sự Phục Sinh, họ gợi ý rằng đó là những thị kiến về tâm lý hay hiện tượng chủ quan giống như ảo giác. Tuy nhiên, các giả thuyết đó dường như ít hợp lý khi nghĩ đến sự kiên định của các tường thuật và một chuỗi nhân chứng từng được thấy Chúa Kitô phục sinh. Các giả thuyết trên gợi ý một phép lạ còn lớn lao hơn sự kiện mà những giải thích ấy tìm cách chối bỏ.

Việc làm chứng của T. Phaolô về sự Phục Sinh là một trong những hồ sơ xưa nhất lịch sử. Người viết cho tín hữu thành Cô-rin-tô, “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh chị em điều mà chính tôi đã lãnh nhận: đó là Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn 500 anh chị em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, như với một đứa trẻ sinh non” (1 Cor 15:3-8).

Những lời này được viết vào khoảng năm 56 hay 57 TL. Tuy nhiên, cốt yếu của bản văn gồm những dạy bảo có từ trước mà Phaolô đã nhận được từ người khác. Vì Phaolô biết những điều này sau khi ông trở lại, chúng ta có thể đoán khoảng năm 35 TL, chỉ năm hay sáu năm sau khi Chúa Kitô chịu chết. Như thế, đó là một bằng chứng hãn hữu có giá trị trong lịch sử. (Fr. Raniero Cantalamessa, “On the readings for Easter Sunday's liturgy”).

Chúa Nhật này, chúng ta nghe Luca tường thuật lại một trong bốn biến cố chính yếu liên quan đến sự phục sinh của Chúa Giêsu, trong đó chúng ta thấy tình yêu đóng vai trò chính yếu.

Người đầu tiên biết về sự Phục Sinh là bà Maria Mácđala, vì yêu mến Chúa Giêsu, bà đã ra mộ từ sáng sớm để tiếp tục việc tẩm liệm xác của Người, nhưng thấy ngôi mộ trống. Bà chạy về báo tin cho ông Simon Phêrô và Gioan. Cả hai đến mộ và chứng kiến sự kiện, nhưng chỉ có ông Gioan tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ngay lúc đầu ông Phêrô không hiểu, nhưng ông Gioan, là môn đệ duy nhất đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn, tin vào sự Phục Sinh nhờ tình yêu của ông dành cho Chúa Giêsu. Bài học ở đây là vì yêu mến Chúa, ông Gioan nhìn thấy sự sống khi đối diện với sự chết, cho chúng ta thấy tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa cũng có thể giúp chúng ta vượt qua những hoàn cảnh tuyệt vọng.

Biến cố thứ hai gồm hai môn đệ trên đường về Emmaus. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, giải thích ý nghĩa của sự cứu độ và sự đau khổ, và Người đã mở tâm trí của họ để hiểu được điều ấy, nhưng họ đã không nhận ra Người cho đến khi Người bẻ bánh và chia sẻ với họ. Hành động này nhắc nhở họ về tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu khi Người bị bắt và bị đóng đinh sau bữa tiệc Vượt Qua. Lòng yêu mến Chúa Giêsu đã giúp họ nhìn thấy Chúa Kitô Phục Sinh trong một sinh hoạt bình thường. Tương tự, khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta có thể nhận ra Chúa Kitô trong đời sống hàng ngày.

Biến cố thứ ba, được tường thuật trong bài Phúc Âm hôm nay, là khi Chúa Giêsu xuất hiện với các môn đệ và chứng tỏ rằng Người không phải là ma khi cho thấy thân xác của Người và ăn cá với họ. Ăn chung với nhau mang ý nghĩa bình an và hợp nhất, và âm vang lời chào của Chúa Giêsu, “Bình an cho các con.” Lời chào này thì đầy ý nghĩa đối với các môn đệ, bởi vì họ đã bỏ chạy và ngay cả từ chối Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người. Tuy nhiên, những lời đầu tiên của Chúa sau khi phục sinh thì không phải để khiển trách nhưng đầy tình thương, đem lại sự tha thứ và ơn sủng. Tình yêu của Chúa Giêsu vượt trên mọi cay đắng và phẫn nộ, dạy cho các môn đệ ý nghĩa đích thực của tình yêu – sự tự hiến và tha thứ. Theo gương Chúa, chúng ta cũng có thể tha thứ cho người khác vì tình yêu.

Biến cố thứ tư xảy ra khi Chúa Giêsu lên trời mà chúng ta sẽ cử hành vào cuối mùa Phục Sinh. Vào lúc đó, Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ, “Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20a). Mệnh lệnh này được áp dụng cho mọi Kitô Hữu và chỉ có thể thực hiện với động lực là chân thành yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Trong suốt lịch sử, biết bao Kitô Hữu đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho sự thật rằng Đức Giêsu là Chúa và đang sống, họ được thúc đẩy bởi tình yêu sâu đậm dành cho Chúa.

Chúa Giêsu cũng yêu cầu chúng ta trở thành chứng nhân cho Người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả ba đặc tính của một chứng nhân: “[1] Chứng nhân là người đã nhìn thấy một thực tại, nhưng không phải với đôi mắt lạnh lùng; họ nhìn và tham dự vào sự việc này. [2] Họ nhớ đến các sự kiện đó và hiểu được ý nghĩa sâu xa của chúng. [3] Họ kể lại các cảm nghiệm của mình không trong một phương cách thờ ơ và lãnh đạm, nhưng như một người đã từng tự vấn lương tâm của mình, và từ đó trở đi, cuộc đời họ thay đổi.”

Là Kitô Hữu, chúng ta đã từng thấy nhiều việc lạ lùng trong cuộc đời mình để nhắc chúng ta nhớ đến tình yêu và sự lưu tâm của Thiên Chúa. Với tâm hồn rộng mở, chúng ta có thể thắc mắc về lối sống của mình, và học hỏi từ những bất hạnh xảy ra trong cuộc đời thay vì đổ lỗi cho Thiên Chúa và người khác. Do đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận, “Nội dung của chứng tá Kitô Giáo thì không phải là lý thuyết, một hệ tư tưởng hay một hệ thống các giới luật và điều cấm kỵ hay ngay cả sự răn dạy. Nhưng đúng ra là một thông điệp về sự cứu độ, một sự kiện cụ thể, quả thật một Người: đó là Chúa Kitô Phục Sinh, đang sống và là Đấng Cứu Độ duy nhất của mọi người.”

Xin tình yêu của Chúa Kitô Phục Sinh thêm can đảm cho chúng ta để trở nên các chứng nhân trung thành cho Chúa.

Trang Chủ Chia Sẻ Suy niệm lời Chúa CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU.