Download Template for Joomla Full premium theme.

Deutschland online bookmaker http://artbetting.de/bet365/ 100% Bonus.

Online bookmaker bet365

GIÁ TRỊ KHIÊM NHƯỜNG.

Submit to FacebookSubmit to Google PlusSubmit to TwitterSubmit to LinkedIn
Huấn Ca 3:17-18, 20, 28-29; Luca 14:1, 7-14

knh

Có một phó tế già đang hấp hối. Nhiều người trong giáo xứ đến thăm ông, và ai ai cũng khen ngợi công đức của ông này trong việc xây dựng giáo xứ sau bao nhiêu năm. Nhưng có vẻ ông không được vui, bà vợ hỏi, “Tại sao ông không vui khi mọi người đều ca ngợi ông hết lòng?” Phó tế thều thào trả lời, “Bởi vì, không có ai khen tôi khiêm nhường cả!”

Khiêm nhường là một đức tính được đề cao trong Do Thái Giáo và Kitô Giáo như các bài đọc hôm nay đã nhắc đến, nhưng áp dụng đức tính này như thế nào trong xã hội ngày nay thì quả thật không dễ.

Tỉ như, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, hay một người đi xin việc làm thì phải viết bản sơ yếu lý lịch cho thật hay, và thường là quá sự thật—như thế có ngược với đức tính khiêm nhường không? Hoặc một giáo xứ tổ chức tiệc gây quỹ, ngoài loại vé thường thì phải có thêm loại vé danh dự để moi tiền của những người giầu và thích chỗ ngồi danh dự—trong khi bài phúc âm hôm nay, dường như Chúa Giêsu lên án những ai muốn tìm một chỗ danh dự trong bàn tiệc!

Chúng ta phải hiểu đức tính khiêm nhường như thế nào?

Trong khung cảnh bữa tiệc của bài phúc âm hôm nay, chúng ta thử suy diễn một vài điểm. Trước hết, bữa tiệc xưa cũng như nay thì không thuần tuý chỉ để ăn uống. Một khi đến tham dự một bữa tiệc nào đó, người tham dự phải nghĩ đến y phục, đồ trang sức để nói lên giá trị của mình. Không ai đến dự tiệc được mời mà không trưng diện. Sự kiện đó nói với chúng ta rằng, trong tiềm thức của con người, ai ai cũng muốn được coi là có giá trị.

Đây là một nhu cầu tâm lý chính đáng và cần thiết cho con người ở bất cứ thời đại nào, bất cứ hoàn cảnh nào —dù giầu hay nghèo, dù có địa vị trong xã hội hay không—ai ai cũng muốn thấy mình có giá trị.

Trong sinh hoạt xã hội, giá trị con người được định nghĩa qua bằng cấp, tài năng và của cải. Tất cả những điều này thì cần thiết để xã hội phát triển. Để thấy mình có giá trị, chúng ta sẽ cố gắng học hành, chăm chỉ làm việc, siêng năng trau dồi nghề nghiệp, phát huy sáng kiến, v.v. Xã hội vinh danh các khoa học gia có phát minh mới, hay các văn nghệ sĩ có những tác phẩm nghệ thuật với các giải thưởng, như giải Nobel Hoà Bình, giải Oscar, v.v. Các kỹ nghệ gia hay các nhà thương mãi nổi tiếng là những người có khối tài sản khổng lồ, có thể nuôi cả một quốc gia nghèo.

Tuy nhiên, để đạt được các giá trị đó thì không dễ. Muốn học giỏi thì phải bớt thời giờ đi chơi. Muốn thăng tiến sự nghiệp thì phải chịu khó đọc sách, nghiên cứu. Muốn làm ăn phát đạt thì phải mất thời giờ tìm hiểu thị trường, cũng như nhu cầu của giới tiêu thụ, v.v.

Nói chung, muốn có giá trị thì phải mất nhiều công sức và điều này không dễ vì nó đi ngược với bản tính tự nhiên của con người. Vì hậu quả của tội nguyên tổ, con người thích có địa vị, thích có danh tiếng mà không muốn mất nhiều công sức. Có người dùng mưu mô thủ đoạn để có địa vị trong xã hội chứ không phải thực tài. Hoặc, muốn có bằng cấp nhưng lại dùng tiền để mua bằng thay vì cố gắng học hành. Hoặc dùng sự dối gạt để có được một vinh dự nào đó. Vấn đề ở đây là giá trị thật hay giả. Đó cũng là điều mà Đức Giêsu muốn đề cập đến trong bài phúc âm hôm nay khi được mời dự tiệc.

Người mời Đức Giêsu dự tiệc là người lãnh đạo giới Biệt Phái. Qua các tình tiết trong phúc âm, chúng ta biết giới Biệt Phái là những người có kiến thức về đạo lý, có địa vị trong xã hội và thích bề ngoài. Khi thấy những người khách, có lẽ phần lớn là người Biệt Phái, tranh nhau chỗ ngồi danh dự, Đức Giêsu đã thẳng thắn dậy họ một bài học về giá trị đích thật của con người được thấy qua sự khiêm nhường.

Khiêm nhường là biết mình—biết rõ ưu và khuyết điểm của mình, biết rõ giá trị của mình cũng như địa vị của mình. Người khiêm nhường thì không thể ngồi vào chỗ danh dự vì rất có thể người nào đó tài giỏi hơn họ, xứng đáng hơn với chỗ đó. Người khiêm nhường phải nhận biết chính chủ nhân là người có quyền xếp đặt chứ họ không có quyền đòi hỏi. Nói cách khác, khi tự ý ngồi vào chỗ danh dự, điều đó không khác gì họ muốn có một giá trị mà giá trị đó không thực sự là của họ.

Ngoài ra, trong quan điểm của Kitô Giáo, giá trị con người nằm ở điểm “được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa” chứ không vì bằng cấp, của cải, chức tước. Giá trị con người theo cái nhìn của Thiên Chúa thì nằm ở điểm thánh thiện. Và sự thánh thiện đó phải được thể hiện qua tình yêu. Vì thế, Đức Giêsu nói với chủ nhà, “Khi mở tiệc, ông hãy mời người nghèo, què quặt, đui mù; vì như thế ông mới có phước vì họ không có gì để trả lễ cho ông.”

Khi làm phước cho người nghèo, lòng bác ái, tình thương đó mới thực sự có giá trị vì chúng ta cho đi mà không mong được nhận lại.

Người Biệt Phái hồi xưa đã lầm lẫn giữa sự đạo đức và thánh thiện. Họ tuân giữ các lề luật nghiêm ngặt, nhưng lại thiếu tình thương đối với đồng loại, nên có cái nhìn khắt khe đến độ khinh bỉ những người thấp kém hơn họ về các phương diện, kể cả sự đạo đức.

Thiên Chúa dạy chúng ta yêu thương người nghèo là để chúng ta thực tập lòng bác ái, tập sống quảng đại, dám cho đi chính của cải, công lao khó nhọc của mình – đó mới là tình yêu đích thực. Cũng vậy, người kém hơn chúng ta về phương diện đạo đức là cơ hội để chúng ta nhận ra được mức độ “mến Chúa, yêu người” của chính chúng ta, để thấy được giá trị thực sự của con người chúng ta, và nhờ đó chúng ta sẽ trở nên khiêm tốn hơn.

Bài đọc một hôm nay cho thấy sự khiêm nhường tối thiểu có ba khía cạnh. Thứ nhất, sách Huấn Ca khuyên chúng ta, “Đừng tìm những điều quá siêu phàm đối với con, và cũng đừng tìm kiếm những điều ngoài sức của con.” Điều này có nghĩa, người ta không thể biết hết mọi sự bởi vì còn rất nhiều điều ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta, do đó, người khiêm nhường là người thú nhận rằng “tôi không biết hết tất cả.”

Nhưng nếu thú nhận mình là người “ngu dốt” mà không để tâm học hỏi, không chịu lắng nghe, đó cũng chưa phải là người khiêm nhường. Đây là điều thứ hai mà sách Huấn Ca khuyên chúng ta, “Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ, kẻ khôn ngoan vui thích lắng nghe.” Muốn lắng nghe thì phải dẹp bỏ tự ái của mình để chấp nhận ý kiến, tư tưởng của người khác và thay đổi, đó là sự khiêm tốn.

Cả hai điều vừa kể, nghĩ cho cùng, đều quy về chính bản thân—“tôi không biết nên tôi cần lắng nghe”—nhưng nếu chỉ có lợi cho bản thân thì đó chưa phải là người khiêm nhường, vì người khiêm nhường phải thấy rằng tất cả những gì họ có thì đều do Thiên Chúa ban, do đó, người khiêm nhường phải biết chia sẻ, biết cho đi, biết lưu tâm đến người khác, như sách Huấn Ca có dậy, cũng như “Nước dập tắt lửa hồng, thì sự bố thí đền bù tội lỗi.”

Giá trị đích thực của một con người thì đã được Đức Giêsu minh hoạ trong phúc âm. Cuộc đời của Đức Giêsu có thể nói không thành công theo con mắt người đời. Đức Giêsu không có bằng cấp, không giầu sang, không có địa vị trong xã hội, nhưng giá trị của Đức Giêsu được thấy qua tình yêu của Người dành cho nhân loại.

Tình yêu đó mãnh liệt đến độ Đức Giêsu đã khiêm nhường, tự hạ mình và mặc lấy xác phàm, dù Người là Thiên Chúa. Tình yêu đó bao la đến độ Đức Giêsu quên mình, hy sinh cả ý riêng của mình để vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Điều quan trọng đối với Đức Giêsu, không phải là bằng cấp, địa vị, giầu sang, quyền bính, nhưng điều quan trọng là Người không phạm tội.

Đa số chúng ta cũng không có bằng cấp, không có địa vị trong xã hội, nhưng điều đó không quan trọng cho bằng phẩm giá con người mà Chúa Giêsu đã cứu chuộc. Bởi thế, mỗi khi đến tham dự Thánh Lễ, chúng ta đừng nghĩ đến hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng hãy nghĩ rằng, “Tôi được vinh dự đến dự tiệc của Chúa Kitô, bởi vì tôi đã cố gắng giữ được giá trị của một Kitô Hữu.” Điều quan trọng đối với Chúa là chúng ta có cố gắng giữ tinh sạch tấm áo trắng mà chúng ta đã lãnh nhận khi rửa tội hay không. Đó là giá trị của sự khiêm nhường theo gương Chúa Kitô.

Pt Giuse Trần Văn Nhật

Trang Chủ Chia Sẻ Suy niệm lời Chúa GIÁ TRỊ KHIÊM NHƯỜNG.