TRUNG THÀNH CHỜ ĐỢI

Submit to FacebookSubmit to Google PlusSubmit to TwitterSubmit to LinkedIn
dog
(Kn 18:6-9; Dt 11:1-2, 8-12; Lc 12:35-40)

Vào năm 2009, một cuốn phim mang tên Hachi: A Dog’s Tale (Hachi: câu chuyện một con chó), được thực hiện dựa trên sự kiện có thật của một con chó tên Hachiko và ông chủ của nó, Giáo Sư Hidesaburo Ueno, dạy môn Canh Nông của Đại Học Tokyo. Hàng ngày, vào sáng sớm, giáo sư Ueno và con chó Hachiko cùng rảo bước đến trạm xe lửa Shibuya, và sau khi vỗ về tạm biệt con chó, ông lên xe đến trường. Con chó Hachiko, thay vì về nhà, nó ở lại trạm xe lửa chờ ông trở về vào ban chiều và được công nhân ở đó cho ăn uống.

Thói quen này tiếp diễn trong vài năm cho đến một ngày kia thảm kịch xảy đến. Giáo sư Ueno không bao giờ trở về nhà nữa vì ông bị xuất huyết não và từ trần. Dĩ nhiên, con Hachiko không biết điều này, nó vẫn trung thành chờ đợi sự trở về của chủ. Hàng ngày, mỗi khi có chuyến xe lửa cập bến, nó lại xuất hiện, đi tìm giáo sư Ueno, vì thế người ta gọi nó là “con chó trung thành.”

Con Hachiko không bao giờ nản lòng và tiếp tục chờ đợi chủ trở về trong hơn chín năm dài. Sau cùng, nó chết vì già yếu, nhưng câu chuyện cảm động của nó được kể lại, và xác của nó được bảo quản và đặt trong Bảo Tàng Viện Khoa Học ở Tokyo. Ngoài ra, một bức tượng của con Hachiko được đặt bên cạnh ngôi mộ của Giáo Sư Ueno ở nghĩa trang Aoyama, Tokyo.

Người ta thường bàng hoàng khi thấy sự trung thành, và đó cũng là chủ đề cho các bài đọc trong Chúa Nhật hôm nay.

Các học giả Kinh Thánh nói rằng Phúc Âm Luca được sáng tác sau sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu khoảng từ 50 đến 55 năm. Vào lúc đó, Luca cũng như các độc giả của ông, đều quá quen thuộc với điều người ta thường than van, đó là, Chúa Giêsu được mong đợi trở lại nhưng cho đến bấy giờ sự trở lại của Người đã trì trệ khoảng 50 năm. Một số môn đệ của Người đã chết, một số khác thì thất vọng, một số khác nữa thì trở nên hững hờ, không muốn lưu tâm.

Người xưa nhìn đến tương lai khác với ngày nay. Bởi vì đời sống khó khăn, kiếm được cơm bánh hàng ngày đã khó nên người ta không muốn nghĩ đến điều gì khác xa hơn. Đối với họ tương lai thì rất gần và rất thực. Tỉ như, hoa lợi là tương lai của sự trồng trọt sau một vài tháng. Hoặc bé sơ sinh là tương lai của một người mẹ mang thai. Điều gì đó chắc chắn sẽ xảy đến trong tương lai. Do đó, họ hoang mang vì chờ đời Chúa Giêsu quá lâu.

Bởi thế, Luca kêu gọi họ hãy tiếp tục tỉnh thức và trung thành như chúng ta đọc trong Phúc Âm hôm nay. “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (c. 35-36).

Sống trong thế kỷ 21, trong gần 2,000 năm chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính rằng chúng ta mong đợi Chúa Giêsu trở lại, Người “sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết” vào lúc tận thế. Nhưng không ai biết được khi nào tận thế, ngay cả Chúa Giêsu, do đó nhiều người không quan tâm đến sự tái giáng lâm này. Đó là điều nguy hiểm bởi vì trước khi tận thế, có thể chúng ta đã chết. Và “vào lúc không ngờ, Con Người sẽ đến.” (c. 40). Con Người là Chúa Giêsu, là Đấng xét xử. Người sẽ đến và gõ cửa vào lúc bất ngờ. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị để gặp Người.

Để chờ đợi Chủ chúng ta trở về, Phúc Âm Chúa Nhật tuần qua nhắc nhở chúng ta hãy từ bỏ của cải vật chất, vì hầu hết là phù vân, và chăm chỉ chu toàn bổn phận của một người quản lý trung thành. Phần thưởng dành cho thái độ đó là họ sẽ được chủ phục vụ. “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. (c 37b).

Đó là phần thưởng không thể tin nổi khi tín thác vào Thiên Chúa, nhưng lịch sử cứu độ đã minh chứng đó là sự thật. Dân Do Thái đã được cứu khỏi ách nô lệ của người Ai Cập nhờ tin tưởng nơi Thiên Chúa, như được viết trong bài đọc một, trích từ sách Khôn Ngoan. Tin tưởng vào Thiên Chúa là điều khôn ngoan. Nhưng đức tin sẽ bị thử thách như trong câu chuyện của ông Abraham, người có đức tin tuyệt vời.

Hãy tưởng tượng bạn là một ông lão 75 tuổi và bạn tin rằng Thiên Chúa đã xuất hiện với bạn và nói bạn phải khăn gói đủ mọi thứ – nhà cửa, của cải, gia đình – và đi đến một vùng đất thật xa mà Người sẽ chỉ cho bạn, phần đất mà bạn phải chiến đấu. Liệu bạn có thi hành không? Phải từ bỏ mọi thứ đấy. Và nếu Chúa hứa sẽ làm cho bạn trở nên một dân tộc vĩ đại, nhưng lúc ấy bạn không có con dù 99 tuổi, bạn có tin không? Và nếu sau khi sinh được một con trai vào lúc 100 tuổi, Chúa yêu cầu bạn hiến tế con duy nhất cho Chúa để minh chứng bạn đặt Chúa trên hết mọi sự, kể cả con của mình; bạn có làm điều đó không? Phải có một đức tin vô cùng vĩ đại để thi hành điều đó. Nhưng ông Abraham đã thi hành. Ông tin vào lời Chúa hứa, và phần thưởng cho đức tin đó là “con cháu ông đông đúc như sao trên trời và không đếm nổi như cát ở bờ biển.” (Dt 11:12). Các tín hữu Kitô, Do Thái và Hồi Giáo gọi ông Abraham là tổ phụ đức tin.

Có được đức tin như ông Abraham thì không dễ. Có người nói rằng vì ông được Chúa trực tiếp gọi nên tin vào Thiên Chúa thì không quá khó. Nhưng hãy nhớ rằng ông phải trải qua nhiều thử thách khó khăn và ông không bao giờ vấp ngã.

Chúng ta may mắn vì Thiên Chúa không trực tiếp gọi chúng ta thi hành điều gì đó cho Người, bởi vì tất cả những người được thị kiến hoặc các vị thần bí trong Giáo Hội đều thay đổi cuộc đời của họ một cách triệt để sau khi được Chúa gọi. Tỉ như, T. Phanxicô Assisi ở thế kỷ 12, sau khi nghe tiếng nói từ tượng chịu nạn trong nguyện đường ở San Damiano, kêu gọi thánh nhân đi xây dựng lại Giáo Hội đổ nát của Chúa, người đã từ bỏ cuộc đời xa hoa của một thanh niên giầu có, và ngay cả từ bỏ cha mình là một thương gia tơ lụa phát đạt để trở nên một người đi ăn xin để xây dựng lại Giáo Hội. Bây giờ, dòng Phanxicô là dòng lớn hạng thứ ba trong Giáo Hội. Người ta vẫn bàng hoàng với sự trung tín.

Hoặc trong thế kỷ 20, Nữ Tu Agnes Gonxha Bojaxhiu, sau khi nghe tiếng gọi chị là hãy phục vụ Chúa Giêsu “trong những người bần cùng”, chị đã từ bỏ một công việc dễ dàng và an nhàn là dạy học trong một trường ở Ấn Độ để đi đến các khu ổ chuột ở Calcutta và phục vụ những người bần cùng trong xã hội từ 1948 đến khi chị từ trần năm 1997. Ngày nay, dòng Truyền Giáo Bác Ái của T. Têrêsa ở Kolkota có khoảng 4,500 nữ tu đang tích cực hoạt động trong hơn 600 trung tâm truyền giáo ở 133 quốc gia. Người ta vẫn bàng hoàng với sự trung tín.

Câu chuyện cuộc đời của các thánh cho thấy tình yêu và đức tin đi đôi với nhau. Đúng hơn, tình yêu dẫn đến đức tin theo tự nhiên. Để tin vào ai đó, trước hết chúng ta phải yêu mến họ. Trước khi nhận lời kết hôn với ai, chúng ta phải thấy được tình yêu của họ. Con cái tin tưởng nơi cha mẹ vì chúng thấy được tình thương của các đấng ấy.

Tương tự như vậy, để tin vào Thiên Chúa, trước hết chúng ta phải yêu mến Người bằng cách trở nên một ngươi bạn của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói chuyện với Chúa về đủ mọi thứ. Chúng ta có thể chia sẻ không những các nỗi vui nhưng còn những thất vọng để xem Chúa phản ứng thế nào. Đừng mong được nghe Chúa nói, nhưng với đôi mắt rộng mở, chúng ta sẽ thấy Chúa đáp trả. Hầu hết, câu trả lời của Chúa sẽ làm chúng ta sững sờ và có thể buồn vì trái với ý muốn của chúng ta, nhưng đừng chán nản, bởi vì tình bằng hữu với Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta không bị ngạc nhiên khi gặp Người vào lúc chúng ta không ngờ. Và đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa Giêsu.

Đời sống trên trái đất là một hành trình, không phải là đích điểm. Trên hành trình của mỗi người, chúng ta có được sự hỗ trợ của gia đình, bạn hữu, và Giáo Hội. Dù vậy, chúng ta vẫn phải mù quáng bước đi với sự tin tưởng rằng những dạy bảo của Chúa Giêsu là ánh sáng duy nhất dẫn chúng ta đến cùng đích của mình.

Xin Thiên Chúa gia tăng đức tin của chúng ta và giúp chúng ta trở nên một người bạn chí thân của Chúa Giêsu, như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi được thấy Chúa vào lúc bất ngờ.

Pt Giuse Trần Văn Nhật

Bài Viết Mới

Bài Viết Cũ