Download Template for Joomla Full premium theme.

Deutschland online bookmaker http://artbetting.de/bet365/ 100% Bonus.

Online bookmaker bet365

Tình muộn

Submit to FacebookSubmit to Google PlusSubmit to TwitterSubmit to LinkedIn

tinhmuon

1. Ông trùm Tân được bầu trực tiếp vào chức danh Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ với đa số phiếu áp đảo. Cha xứ khẽ khàng:

- Mừng ông trùm được nhiều phiếu nhất. Ông được dân xứ tín nhiệm, đời sống không có điều gì chê trách được. Nhưng có điều này, không biết tôi có nên nói ra không?

Ông trùm Tân nhũn như con chi chi:

- Vâng, con nghĩ: Ý cha là ý Chúa, xin cha dạy bảo.

Cha xứ mừng, mỉm cười tươi:

- Không dám. Ông trùm đã nói vậy, tôi xin góp ý thế này: Ông trùm còn trẻ tuổi, mới ngoài năm mươi phải không? Tôi xin lỗi, tôi e kinh nghiệm của ông chưa được chín muồi, ấy là so với quý ông đắc cử hôm nay thôi. Với lại, ai cũng biết gia đình ông trùm neo đơn. Bà nhà về với Chúa mấy năm rồi nhỉ? Mười năm rồi cơ à! Nhanh quá, vèo một cái đã một thập kỷ. Ông không còn bà, lại phải nuôi dạy bốn đứa con đang tuổi lớn, tuổi ăn, tuổi học. Điều kiện kinh tế của ông trùm – tôi xin lỗi lần nữa – lại có giới hạn, một gánh đè lên vai, nặng lắm. Ông trùm biết đấy, chức vụ chủ tịch ban thường vụ đòi hỏi nhiều thời gian, trách nhiệm rất cao, giáo xứ chúng ta lại bắt đầu xây dựng nhiều công trình mới, trăm công ngàn việc…

Rồi cha xứ có vẻ khổ tâm lắm:

- Hay là thế này, ông nhường chức chủ tịch cho ông trương Nam nhé, được không? Công tư hai bề toàn vẹn…

Ông trương Nam vốn là cựu chủng sinh Tê-rê-sa Long Xuyên, biết lõm bõm vài câu ngoại ngữ, nóng như Trương Phi, ngắt lời cha xứ:

- Không, không bao giờ, thưa cha, thưa quý chức! Con biết cha thương con. Nói như trong xã hội ngày nay, cha muốn “cơ cấu” con làm chánh trương. Nhưng con nhớ có một câu ngạn ngữ Latin: “Vox populi, vox Dei”, tiếng dân là tiếng Chúa. Cứ theo quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và theo kết quả kiểm phiếu, dân đã bầu ông trùm Tân làm chánh trương, ông trưởng Bắc làm phó nội, con phó ngoại, thầy giáo Đông thư ký, bà quản Hoan thủ quỹ. Con nghĩ đó là ý Chúa, chúng ta phải chấp nhận và chấp hành.

Sau một hồi tranh luận, dù không phù hợp với tính toán của mình, cha xứ cũng không thể xoay sở khác đi được, đành phải đồng ý. Biên bản được ghi, được mọi người thông qua, chờ trình Đức Giám mục giáo phận châu phê.

2. Lễ nhậm chức được tổ chức trong một Thánh lễ Chúa nhật, rất trang trọng, đầy ý nghĩa, phảng phất bầu khí được sai đi ngày xưa Chúa sai các môn đệ.

Sau lễ, cha xứ mời quý chức tân cựu dùng bữa sáng. Ngày trước, các cụ khao chức chánh phó trương lớn lắm, có khi còn mổ trâu ăn mừng, đãi hàng xứ. Nhưng hôm nay, cha xứ mời mỗi người chỉ một gói mì tôm, trên lát một lớp thịt ba chỉ, bà quản Hoan thái mỏng đến nỗi người ta có cảm tưởng chỉ cần mở quạt điện số lớn, mấy miếng thịt kia sẽ bay đi mất. Vậy mà bữa ăn rộn rã tiếng cười, chứa chan tình cha con, huynh đệ… Mọi người quây quần bên cha xứ, quanh một chiếc bàn ăn tròn. Ông chánh Tân và bà quản Hoan ngồi gần nhau. Không biết ai khơi mào, tự dưng ông ký Đông phát pháo, chắc là muốn đùa ông chánh Tân:

- Theo Kinh Thánh thì “Người đàn ông ở một mình không tốt’’.

Ông phó Bắc không đồng ý:

- Không phải người đàn ông, mà là “Con người ở một mình không tốt”.

Lời qua tiếng lại, không ai chịu ai. Ông phó Nam lên tiếng:

- Tôi nhớ: Đó là câu 18 đoạn 2 sách Sáng Thế Ký. Tôi không biết bản dịch Việt ngữ nào dịch homo là người đàn ông. Nhưng bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn là người, của nhóm Phụng vụ Giờ kinh là con người, của anh em Tin lành là con người hoặc loài người. Bản tiếng Anh là man, dịch là đàn ông cũng được, là người cũng được. Vả lại, tôi nghĩ, lúc ấy Gia-vê Thiên Chúa tạo dựng con người chứ có riêng gì đàn ông giống họa ảnh của Người đâu? Thêm nữa, lúc ấy đã có đàn bà đâu để phân biệt với đàn ông? Cho nên dịch là người có vẻ hợp lý hơn.

Ông quay sang cha xứ:

- Con trộm nghĩ vậy, có sai sót, xin cha chỉ dạy

Cha xứ cười:

- Gớm! Ông phó chịu khó đọc đấy nhỉ? Người ta ở một mình không tốt, đúng. Nhưng dịch là người đàn ông… cũng chấp nhận được.

Ông phó Bắc tếu táo:

- Nếu “Người đàn ông ở một mình không tốt” thì đó là ông chánh Tân; còn nếu “Con người ở một mình không tốt” thì đó là cả ông chánh Tân và bà quản Hoan. Cách sửa chữa tốt nhất là ông chánh và bà quản…

Ông phó Bắc bỏ lửng câu nói, nhưng ai cũng biết ông muốn nói gì. Mọi người cười rổn rang, trừ ông chánh cười nhạt và bà quản vội đưa tờ chương trình họp lên che mặt.

3. Trong suốt thời gian tham gia Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, nói thật lòng, ông chánh Tân và bà quản Hoan chỉ biết đến công việc và công việc, chẳng có tình ý gì với nhau. Nhưng người ta nói ra nói vào quá, làm cho cả hai người cảm thấy hình như đó là một cơn cám dỗ, lại là cơn cám dỗ ngọt ngào, nên họ phải e dè, đến mức phải phòng thủ. Trong những buổi họp sau này, bà quản Hoan tìm cách ngồi càng xa ông chánh Tân càng tốt. Khổ nỗi cái bàn họp của nhà xứ lại hình tròn, nên chỗ xa nhất lại là chỗ đối diện, nên ánh mắt họ cứ chạm nhau chan chát. Nhìn vào bốn con mắt đang chạm nhau ấy, ai cũng biết họ đang nói với nhau rằng: “Ông (bà) nổ súng tấn công đi, tôi sẽ đầu hàng vô điều kiện ngay tắp lự”. Nhưng không ai chịu bước đi bước đầu tiên. Họ luôn luôn trong tư thế phòng thủ nên câu chuyện chẳng đi đến đâu. Ngoài hai đương sự, mọi người đều biết, chắc không sai mấy, ông chánh và bà quản “phải lòng” nhau, và đồn ầm lên rằng, họ sắp lấy nhau đến nơi rồi. Nhưng rõ ràng, chuyện chẳng đi đến đâu thật.

4. Hai anh chàng thanh niên cao to như hai ông hộ pháp ngồi đối diện với một người đàn bà nhỏ thó, lọt thỏm trong chiếc ghế bành bọc da giả màu gụ rộng thênh thang. Khó khăn lắm, người đàn bà mới mở lời được:

- Hai con King, Koong! Nghe mẹ hỏi, các con có nghe người ta nói gì về mẹ không? Cứ nói thẳng, nói thật, chân thành như từ xưa giữa mẹ con mình.

Anh King không đắn đo, trả lời mẹ dễ dàng như một lẽ đương nhiên:

- Chúng con nghe đầy tai, mẹ ạ! Nhưng có gì phải phải để tâm đâu? Đối với mẹ, chúng con là tất cả. Từ ngày bố mất đi, mẹ đã hy sinh đời mẹ, tuổi thanh xuân mẹ, nuôi dạy chúng con nên người. Mẹ biết chúng con kính yêu mẹ dường bao. Nhưng, nói gì thì nói, chúng con không thể dành hết thời gian của chúng con để chăm sóc, đền đáp ân nghĩa cho mẹ được. Nước và thời gian cứ chảy xuôi thôi. Chúng con còn công việc ở đời, rồi miếng cơm manh áo, rồi vợ con, một gia đình riêng phải chăm lo. Con xin lỗi mẹ, đến lúc rồi, mẹ cần phải có một người bạn đời, một người tri âm tri kỷ để chia sẻ buồn vui. Hơn nữa, như mẹ thường nói đó, làm người, ai cũng cần một bờ vai để khi khóc có chỗ tựa đầu. Mẹ cũng phải sống cho mẹ chứ, phải không?

Người đàn bà, bà quản Hoan đấy chứ ai, sụt sịt lấy khăn lau mặt:

- Mẹ cám ơn các con.

Anh Koong thêm vào:

- Ai nói gì kệ họ. Bác chánh Tân và mẹ đều là những người tự do, đến với nhau không hề vi phạm phép đạo luật đời. Hơn nữa, mẹ thấy đó, bác chánh là người tốt, được cả giáo xứ tín nhiệm, chính cha xứ cũng phải công nhận đời sống của bác không có điều gì chê trách được…

Rồi anh khúc khích cười:

- Bác ấy là người yêu lý tưởng, mẹ nhỉ?

Bà quản phải đứng lên, nhoài người, với tay mới cốc được lên đầu anh Koong một cái:

- Bố anh! Ăn nói giống hệt cha anh.

5. Quay đi quay lại, họ đã xong việc, đã mãn nhiệm hai khóa Hội đồng Mục vụ Giáo xứ. Bây giờ, Ông chánh Tân đang già, tóc đã bạc gần hết, trên trán, trên mặt, ở đuôi mắt đã đường ngang rãnh dọc, những nếp nhăn đã có ngọn có ngành. Con cái ông đã có vợ có chồng, có cơ ngơi riêng. Họ không xây tổ ấm nơi chôn nhau cắt rốn, mà lập nghiệp nghe đâu mãi trên thành phố. Cô con gái cả, người con chí hiếu, nhất quyết không lấy chồng, ở vậy chăm sóc cha già. Nhưng khi các em đã có gia đình hết cả rồi, tình yêu đời cô mới lên tiếng. Cô nghe theo tiếng gọi trái tim, quên lời hứa với cha, hớn hở lên xe hoa đã hai năm nay. Trong căn nhà rộng thênh thang dưới quê, ông chánh một mình vào ra thui thủi. Ông sống lại thời còn đi học, tự đi chợ, nấu ăn, rửa bát, quét nhà, quét sân, giặt giũ… Mỗi buổi chiều, ông nấu một ấm nước chè xanh, ngồi ở chiếc ghế đá ngoài sân, giữa thanh thiên bạch nhật, chờ…

Hai anh King Koong đã lập gia đình từ lâu, công tác trên Bình Dương. Bà quản Hoan cũng một thân một mình, nhưng còn khỏe. Bà là một tay ngắm đứng nữ vô địch trong giáo xứ, giọng ngắm của bà như rót mật vào tai. Bà còn dạy các em thiếu nhi dâng hoa, dâng hạt, vãn hang đá… Mỗi lần bà đi nhà thờ ngang qua, ông chánh Tân thường gọi giật lại:

- Bà quản, bà quản! Uống hớp nước cho ấm lòng rồi hẵng đi. Chè tươi tôi gởi mua mãi trên kinh B, mang thẳng từ Bảo Lộc về đấy.

Có thế, và chỉ có thế. Họ đối xử với nhau như hai người bạn. Họa hoằn, bà quản lấy trong bọc ni-lon đen ra, cho ông khi thì gói xôi, khi thì cái bắp ngô luộc, khi thì củ khoai lang nướng, cũng có khi là bọc cá cơm hay cá lòng tong kho tiêu. Ông không so sánh những thứ bà đem đến với những của ngon vật lạ nào ông đã từng nếm qua trước đây. Nhưng những thứ bà đem đến hình như có hương riêng, vị riêng, ngoài ông ra, không ai biết, không ai cảm nhận được. Có phải đó là hương vị ân tình không? Sao mà chúng ngon thế, ngon hơn tất cả mọi thứ cao lương mỹ vị trên cõi đời này.

Nghe đâu họ không đến được với nhau vì hai đứa con bà quản thì ủng hộ hết mình, nhưng những đứa con ông chánh thì phản đối kịch liệt, vì dù bà quản có tiếng là khôn khéo, hiền thục cũng không thể buộc họ gọi là mẹ, dù là mẹ ghẻ, con của họ không thể gọi bà là bà nội hay bà ngoại, dù là bà nội ghẻ hay bà ngoại ghẻ. Có lần, bà quản bóng gió với ông chánh:

- Quyền ở trong tay ông chánh. Dù gì ông cũng là một gia trưởng.

Ông chánh Tân xoa hai tay vào nhau, xuýt xoa:

- Vâng, bà quản nói đúng. Nhưng gia trưởng trong một gia đình, cũng như linh mục trong một giáo xứ, thậm chí như giám mục trong một giáo phận, và mọi chức vụ khác trong Giáo hội, được thiết lập là vì sứ vụ, để theo gương Thầy mình: “Không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mt 20, 28). Phải không, bà quản?

Bà quản Hoan ngúng nguẩy chữa thẹn:

- Ứ! Tôi đi nhà thờ đây, muộn rồi.

6. Câu chuyện của ông chánh Tân và bà quản Hoan vẫn chẳng đi đến đâu, nhưng có vẻ cảm động và đẹp, khiến cho nhiều đôi vợ chồng trẻ cũng như già phải nao lòng. Nhưng nếu người ta, nhất là những người con ông chánh cảm thông với ông hơn, bao dung hơn, thì hẳn là câu chuyện trên đây có thể khác đi, còn cảm động hơn nữa, đẹp hơn nữa, trọn vẹn hơn nữa. Và ngay đến cả hôm nay, nếu Chúa muốn, chuyện tình muộn ấy có lẽ chưa bao giờ quá muộn.

——————-

lãongu